Retinoids – Có phải chìa khóa vàng trong từ điển làm đẹp? Ầy, có gõ mỗi cái chữ “Retinoids” ra mà google nó hiện ra cả trăm link về cái thành phần này. Mở được một bài ra đọc thì nó lại dẫn sang nhiều bài khác. Thành ra, tớ mất nguyên gần một tuần chỉ có để đọc, dịch và thấm nhuần ‘gần như’ mọi khía cạnh của cái chất
Vì tớ đọc cái gì cũng đều cực kỳ kĩ, dựa trên rất rất nhiều nguồn khách quan, và thậm chí là sự trải nghiệm của chính bản thân tớ, nên là bài viết của tớ thường cực dài, sâu và đề cập đến nhiều vấn đề ‘có vẻ mang tính chuyên ngành’ một chút. Các bạn có thể bỏ qua vài phần nếu cảm thấy không cần thiết. Và đọc thật kỹ trước khi có bất cứ câu hỏi nào dành cho tớ nhé ^^!
Gần như là thần thánh, có thể nói Retinoids là thành phần bậc nhất có thể giải quyết được nhiều vấn đề nhất của làn da: mụn, thâm, nám, tàn nhang, lỗ chân lông to, lão hóa….
Bài viết sẽ được chia làm 4 phần:
Phần I: Khái niệm – Retinoids là gì?
Phần II: Lợi ích và mặt trái của Retinoids
Phần III: Phân loại Retinoids và cách lựa chọn Retinoids phù hợp
Phần IV: Một số lưu ý khi sử dụng Retinoids
Không dài dòng, tớ đi thẳng vào từng vấn đề nhé!
I. Khái niệm – Retinoids là gì?
Retinoids là tên gọi chung cho các phái sinh của Vitamin A. Trong Y học, Retinoids chủ yếu được dùng để điều chỉnh sự phát triển tế bào biểu mô. Nó có nhiều chức năng quan trọng và cực kỳ đa dạng trên khắp các bộ phân của cơ thể, trong đó mạnh nhất về khả năng tăng sinh sản tế bào mới và góp phần vào sự phát triển của mô xương, chức năng miễn dịch và hoạt hóa các gen ức chế khối u (vì vậy có khả năng ngăn ngừa ung thư da). Năm 1971, lần đầu tiên FDA Mỹ công nhân kiểm duyệt Tretinoin với cái tên Retin-A, và từ đó thì Retinoids nổi như cồn bởi khả năng chống lão hóa, điều trị mụn và có thể giải quyết “hầu hết” (chỉ là hầu hết thôi) các vấn đề của da, được các bác sĩ da liễu toàn thế giới tin dùng.
Retinoids hiện nay có cả dạng bôi và dạng uống. Thường thì các bài viết chia sẻ về Retinoids chỉ nhắc đến dạng bôi. Nhưng tại bài viết này, mình sẽ chia sẻ cả dạng uống (vì chính mình đã từng phải sử dụng nên hiểu về nó hơn ai hết).
II. Lợi ích và mặt trái của Retinoids
1. Lợi ích của Retinoids:
a. Trị mụn:
Đây có thể coi là tác dụng đầu tiên và cũng là tác dụng tuyệt vời nhất của Retinoids. Nói chung, với làn da của ai đã tìm đến mọi loại trị mụn mà vẫn không khỏi thì hãy coi Retinoids là giải pháp cuối cùng và chắc chắn là giải pháp hiệu quả. Kể cả ở dạng uống hay dạng bôi.
Đối với dạng uống: Retinoids thường được bào chế dưới dạng Isotretinoin ở nồng độ cao (10%, 15%, 20%, thậm chí 30-40% cũng có). Isotretinoin dạng uống là thuốc ức chế tiết chất bã có hiệu quả nhất, thuốc làm giảm thể tích tuyến bã khoảng 90% và giảm tiết chất bã khoảng 70-90%. Thuốc ức chế sự phát triển các tế bào tiết chất bã và quá trình tiết chất bã, hoạt tính ức chế tiết chất bã phụ thuộc vào liều lượng. Một khi ngừng điều trị thì lượng chất bã trở lại bình thường nhưng chất lượng của chất bã chỉ còn khoảng 40% so với giá trị gốc. Thuốc cũng làm thay đổi sự trưởng thành và độ kết dính của các tế bào sừng, do vậy làm giảm sự tạo thành các comedone. Mặc dù thuốc không có hiệu quả trực tiếp đến Propionibacterium acnes (P.acnes), nhưng nó ức chế sự tạo thành chất bã do vậy gián tiếp làm giảm số lượng P.acnes. Tùy từng mức độ nặng nhẹ của tình trạng da mà các bác sĩ sẽ kê cho chúng mình liệu lượng khác nhau. Tại Việt Nam, bạn sẽ chỉ tìm thấy chủ yếu là Isotrenoin 10% đến 20% là tối đa. Ở một số nước khác, các bác sĩ còn có thể kê liều lượng đến 30-40% :-ss. Cá nhân mình từng phải uống liều 10% và 20% đã cảm thấy da khác hẳn. Mà trước đó mình bị mụn nội tiết rất nặng nhé. Kết quả là trong 5 tháng mình hết sạch sành sanh mụn và thậm chí dầu ở trên da cũng giảm gần như chẳng có :3. Tuy nhiên, no có quá nhiều tác dụng phụ (mình sẽ bàn tới ở mục sau) và mụn có khả năng lớn là sẽ quay lại nếu bạn bị mụn nội tiết :v.
Đối với dạng bôi: Retinoids có khả năng giúp lỗ chân lông thông thoáng, ngăn các tế bào chết bít lỗ chân lông bằng cách tăng tốc độ bong da chết và giảm sự tiết quá nhiều dầu. Đồng thời, nó cũng có tác dụng chống sưng tấy, kháng viêm đối với các loại mụn (đặc biệt là mụn viêm) và hạn chế để lại sẹo sau mụn.
b. Giải quyết các vấn đề của chứng nhiễm sắc tố da:
Nhờ khả năng tăng cường sản xuất Collagen và kích thích tuần hoàn máu dưới da, Retinoids giúp da giảm thiểu các vấn đề do tác động của tia UV mà kéo theo đó các vấn đề thâm, nám, sạm cũng được cải thiện rõ rệt.
c. Chống lão hóa:
Retinoids tác động vào gen và kích thích da sản xuất ra các tế bào mới. Nó cũng kích thích các nguyên bào sợi và collagen trong da, từ đó làm giảm nếp nhăn, tăng độ đàn hồi cho da. Có nhiều bạn nhầm lẫn, cho rằng Retinoids có tác dụng tẩy da chết hóa học (như AHA/BHA), tuy nhiên điều này là không đúng. Retinoids không làm lỏng lẻo sự liên kết của các tế bào chết mà giúp tế bào hoạt động khỏe mạnh, tăng cường quá trình đào thải tế bào chết. Tức là, Retinoids làm gián tiếp làm bong lớp ngoài cùng của biểu bì và đồng thời kích thích làm dày các tầng dưới da.
2. Mặt trái của Retinoids:
a. Đối với dạng uống:
100% là khỏi mụn (trong thời gian điều trị). Tuy nhiên mặt trái của nó thì nhiều vô số. Tác dụng phụ được mình liệt kê trong bảng sau:
Cá nhân tớ sử dụng với nồng độ 20% thì thấy bị dính mấy tác dụng phụ sau: viêm môi (nhưng nhẹ thôi, chỉ bị khô và bong da môi, cũng có chảy máu), đau cơ và khớp (mỏi thì thôi rồi, nhất là khoảng 2 tháng đầu), hoạt hóa trứng cá (tức là đẩy mụn, 3 tháng đầu mặt như sida, bung bét toét nhè), mệt mỏi bồn chồn có một chút không đáng kể. Mấy cái yếu tố còn lại mình không đo nên không rõ. Nhưng chắc chắn là nó hại gan hại thận :3. Nhưng vì thời điểm bị mụn ấy mình cảm giác thế giới sụp đổ nên mình bất chấp hậu quả :(. Còn một tác hại nữa là thuốc gây quái thai nếu như phụ nữ đang mang thai, vì vậy mà thời gian uống thuốc thì tuyệt đối tránh mang bầu ít nhất 3-6 tháng. Mà đã có bầu thì thôi uống thuốc.
b. Đối với dạng bôi:
- Trong thời gian đầu sử dụng, Retinoids có thể khiến da bị đỏ và nhạy cảm hơn, dễ bị bong tróc khô da khá là khó chịu.
=> Giải pháp: sử dụng chậm khi mới bắt đầu. Tức là dùng với liều lượng nhỏ, không thường xuyên, cho đến khi da quen dần với retinoids. Ví dụ nên bắt đầu từ Retin-A 0.025% chẳng hạn.
- Kích ứng quanh mắt: dù không bôi quanh mắt nhưng một lượng rất nhỏ của Retinoids vẫn có thể chảy từ vùng khác lan xuống mắt và khiết vùng da quanh mắt châm chích, rát đỏ,t hậm chí là sưng cả mắt.
=> Giải pháp: tránh xa vùng mắt, càng xa càng tốt khi mới bắt đầu. Kết hợp sử dụng kem mắt và xịt khoáng để làm dịu vùng da nhạy cảm này.
- Breakout và purging (đẩy mụn, bùng nổ mụn)
Ví như da bạn không có mụn xưa tới nay, mà dùng Retinoids tự nhiên bùng nổ mụn thì có thể bạn không hợp với sản phẩm. Theo dõi một vài ngày để quyết định nên dừng hay không.
Còn da bạn có sẵn mụn rồi, ẩn ẩn dưới da mà bỗng nhiên mụn đẩy lên ầm ầm thì đó là purging. Điều này không quá nghiêm trọng vì một thời gian da sẽ ổn lại thôi.
=> Giải pháp: từ từ lắng nghe làn da mình để điều chỉnh lượng phù hợp hoặc gặp bác sĩ nếu thấy mức độ quá nghiêm trọng
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Nói chung, đã dùng Retinoids, hay AHA/BHA/VitaminC thì kem chống nắng là thứ bắt buộc. Retinoids thúc đẩy sự bong lớp sừng ngoài cùng của da, vì thế khiến da mỏng hơn trong ngắn hạn, và nếu da tiếp xúc nhiều với tia UV mà không được bảo vệ thì bạn biết hậu quả thế nào rồi đấy :3.
=> Giải pháp: dùng kem chống nắng luôn luôn và luôn luôn. Tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp liên tục trong khoảng thời gian dài. Nên dùng Retinoids vào buổi tối trước khi đi ngủ.
III. Phân loại Retinoids và cách lựa chọn Retinoids phù hợp.
Retinoids có cực kì nhiều dạng khác nhau. Nói hết ra thì cũng được nhưng mà dài, cũng chẳng cần thiết, vì thế mình chỉ tóm lại những cái phổ biến nhất trên thị trường hiện nay thôi nhé.
Retinoids thông dụng nhất là Isotrenoin, Tretinoin, Retinol, Retinyl Palmitate và Adapalene. Retinoids để có hiệu quả với da thì cần phải chuyển hóa được sang dạng acid retinoic. Isotrenoin và Tretinoin bản thân đã là acid retinoic nên rất mạnh, còn Retinol, Retyl Pallmitate hay Adapalene cần có bước chuyển hóa nên dịu dàng hơn.
1. Isotrenoin (imlas, acnotin, accutane, roaccutane)
Đây là thể mạnh nhất của Retinoids và ở dạng uống. Isotrenoin chỉ áp dụng khi bệnh nhân bị mụn quá nặng (ví dụ như tớ bị mụn nội tiết và bỗng một ngày breakout chi chit không còn chỗ nào hở trên mặt, toàn mụn bọc, mụn mủ ấy). Và dĩ nhiên, đã tìm đến thuốc này thì bạn phải gặp bác sĩ chứ tuyệt đối không được tự ý mua về uống vì nó cần theo lộ trình. Và nó chỉ nên là giải pháp cuối cùng khi bạn đã thất bại với quá là nhiều sản phẩm hoặc thuốc trị mụn khác. Vì tác dụng phụ của nó là nhiều vô kể và hoàn toàn không thể lường trước nên bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng. Với lại, da bạn hoàn toàn có thể bị mụn trở lại sau khi ngừng thuốc, nên nó chỉ có thể khống chế tình trang da trong thời gian điều trị. Sau đó, bạn cần lập tức áp dụng các phương pháp chăm sóc da toàn diện để mụn hạn chế quay về.
2. Tretinoin/Retin-A
Như mình nói trên, tretinoin là acid retinoic nên dạng hợp chất này không yêu cầu chuyển hóa, tương đối mạnh ở dạng bôi ngoài da. Hợp chất này có cả dạng bôi và dạng uống, đều cần đến sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ. Ở nước ngoài thì không dễ để bạn có thể mua được một tuýp Retin-A này nếu không có đơn. Còn ở Việt Nam thì bán khá rộng rãi mà không cần đơn nhé. Tretinoin bị yếu đi khi gặp ánh sáng, bất kể là ánh sáng tự nhiên hay đèn điện, vì vậy nếu uống thì hạn chế tiếp xúc với ánh sáng và dùng kem chống nắng là bắt buộc. Còn dạng bôi, bạn chỉ nên sử dụng trước khi đi ngủ. Vì Acid retinoic trực tiếp tác động vào da nên sẽ gây phản ứng phụ: da bong tróc mạnh, đỏ tấy, sưng mặt, ngứa rát, khô da. Do đó, bạn nên bắt đầu với tần suất sử dụng thấp để da quen dần với thuốc nha. Ở các nước phát triển thì Tre bị cấm từ năm 2012 (chắc có lẽ vì nhiều phản ứng phụ quá), nhưng ở Việt Nam thì Tre vẫn được tiêu thụ đều đều. Các sản phẩm chứa Tre ở Việt Nam có tên: Retin-A 0.025%, 0.05%, 0.1%; Tretinoin YSP 0.05%, Erylik (tre 0.025%), Locacid, Hiteen. Tuy nhiên mấy sản phẩm này đều chứa rất nhiều Alcohol, về mặt hiện tại thì nó tốt cho da mụn, nhưng lâu dài thì không.
3. Retinol
Không cần kê đơn của bác sĩ, chỉ bôi ngoài da. Retinoid có các cường độ từ 0.01%, 0.03%, 0.1%, 0.5% và 1%. Liều thường dùng của Retinol là từ 0.5% đến 1%. Retinol cần thời gian để chuyển hóa thành acid retinoic nên yếu hơn Retin-A, vì thế giúp giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn (giảm cũng phải chừng 20 lần so với Retin-A). Các hãng bán sản phẩm chứa Retinol khá nhiều và nổi tiếng như Neutrogena, Paula’s Choice, Skinceauticals và Obagi. Các bạn có thể tìm những sản phẩm này không khó ^^.
4. Retinyl Palmitate và Adapalene (Differin)
Hai hợp chất này tương đối yếu, Retinyl Palmitate hay chứa trong serum, kem dưỡng da. Còn Adapalene thường có trong các tuýp kem trị mụn, mà mình thấy phổ biến nhất là trong tuýp Differin. Nói chung là nó hỗ trợ điều trị mụn, chứ về tác dụng thì không ăn thua so với các chất trên. Hồi mình uống Isotrenoin, đợt đầu bác sĩ kê thêm thuốc bôi là Benzoyl Peroxide 5%, sau thì dùng Differin. Nhưng mình thấy BP hiệu quả hơn hẳn. chứ Differin dùng không xi nhê gì cả :D.
IV. Một số lưu ý khi sử dụng Retinods
1. Bắt đầu chậm, chỉ sử dụng một lượng vừa đủ.
Retinoids có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, dù liều nặng hay nhẹ. Vì thế, đối với những trường hợp bôi ngoài da không theo đơn, bạn nên bắt đầu thật chậm. Có thể sử dụng cách ngày, vài ngày 1 lần trong vài tuần cho da quen. Sau đó bạn tự điều chỉnh cho phù hợp với da mình. Đến khi đạt được độ ‘quen thân’ với em này thì mỗi ngày 1 lần, khoảng 1 hạt đậu vào mỗi tối đã quá là đủ cho toàn bộ mặt bạn nhé.
2. Không được quên kem chống nắng.
Trong bất cứ mọi trường hợp, mọi lý do, kem chống nắng vẫn là thứ bạn không được cho phép mình quên sử dụng. Không đùa đâu! Da bạn sẽ cực kì nhạy cảm với nắng nếu tiếp xúc trực tiếp với tia UV nhé. Còn nếu bạn cảm thấy không nghiêm túc được với kem chống nắng thì mình khuyên bạn là không nên ham hố thử với Retinoids hay bất cứ cái gì liên quan đến tính axit (AHA/BHA/VitC).
3. Dùng kèm với BHA/AHA như nào?
BHA/AHA và Retinoids hoạt động dưới 2 hình thức khác nhau, vì vậy bạn hoàn toàn có thể dùng kèm được với nhau. Tuy nhiên Retinol phát huy tác dụng tối đa khi da ở mức pH 5-6. Trong khi AHA/BHA có độ pH 3-4. Vì vậy bạn chỉ cần để ngắt quãng thời gian, cho BHA/AHA ổn định trên da và da trở về độ pH cân bằng đã là có thể dùng Retinoids được. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp AHA nồng độ cao (từ 30% trở lên) thì tuyệt đối là không kết hợp được vì lúc này AHA đóng vài trò là chất lột da (để giải quyết tình trạng nhiễm sắc tố) rồi.
Nói chung là bạn có thể đan xen hôm nay dùng BHA/AHA, còn mai dùng retinoids cũng được :D.
4. Dùng kem dưỡng ẩm với Retinoids ra sao? Các bước skincare khác có liên quan gì không?
Retinoids hoàn hảo khi một mình nó trên da. Nhưng mà nó lại kèm với tác dụng phụ nhiều nên sẽ khiến da cực kì khó chịu. Bạn nên cách chừng 20-30’ để Rretinoids hoạt động trên da hiệu quả, sau đó thì thoa kem dưỡng là tốt nhất. Còn nếu lười quá thì thoa ngay sau cũng được.
Còn về các bước skincare, cơ bản là chẳng ảnh hưởng gì tới Retinoids. Bạn vẫn cần phải làm sạch da cơ bản (tẩy trang + sữa rửa mặt), vẫn cần toner để cân bằng da, vẫn cần serum để dưỡng sâu và vẫn cần kem dưỡng để cấp ẩm.
5. Hãy kiên nhẫn
Retinoids mấy khoảng 10-12 tuần để có được tác dụng mong muốn. Hầu hết mọi người đều không thấy được kết quả (trừ mụn) trong 1-2 tháng đầu tiên. Tuy vậy, da mỗi người mỗi khác nên mình không thể cam kết chắc chắn cho mọi trường hợp. Mình mới uống Retinoids và dùng Differin, chứ chưa bôi Retinol nên cũng không biết da mình sẽ phản ứng như thế nào. Chỉ thấy là cái loại uống Acnotin 20% nặng vậy mà mình vẫn không đến mức gào thét vì tác dụng phụ (khô môi thôi chứ da mặt không bong tróc gì, da cứ bóng loáng dù không có tí dầu nào:3). Rồi Differin hay AHA/BHA da mình cũng 1 phát chấp được luôn khỏi cần phải dùng rón rén =)). Chỉ trừ có Benzoyl Peroxide thì mình dùng mãi rồi mà nó vẫn có chút châm chích ngứa ngứa khi chấm lên nốt mụn.
Túm lại, cuộc đời mình còn thiếu mỗi Retinol là chưa cho vào danh sách chứ các phái sinh của Retinoids thì cũng kinh qua gần đủ rồi =)). Và mình sẽ sớm đưa em ấy vào chuỗi skincare thôi. Hậu quả sau Breakout mình vẫn đang tu sửa dần dần. Cho đến khi có kết quả toàn diện, mình sẽ tự tin public hình ảnh lên cho các bạn =)). Giờ thì mình xí hổ lắm =)).
Chọn gì cũng được, nhưng quan trọng là bạn hiểu da bạn. Mình vẫn luôn nhấn mạnh điều này. Vì mỹ phẩm tốt, thành phần tốt, chưa chắc với da bạn đã tốt.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc, vui vẻ với niềm vui chăm sóc da hàng ngày – điều mà chỉ có ở riêng con gái chúng mình thôi :”>.